Khi những tia nắng ấm áp đầu Xuân đang dần xua tan cái lạnh lẽo của mùa Đông cũng là lúc làng chiếu Định Yên (xã Định Yên, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) nhộn nhịp hơn bao giờ hết, bởi đây là thời điểm mua sắm hàng hóa của người dân tăng cao. Mọi người đang tất bật tạo ra những sản phẩm chất lượng để kịp cung ứng cho những chuyến hàng cuối năm, phục vụ tiêu dùng dịp Xuân về.

Người dân nhuộm màu sợi lác- nguyên liệu dệt chiếu Định Yên.

Những ngày này, làng chiếu Định Yên tất bật vào mùa dệt chiếu Tết, cả làng rộn rã âm thanh phát ra từ những khung dệt thô sơ bằng gỗ và những chiếc máy dệt chiếu tự động. Nơi đây, từ trong nhà ra ngoài ngõ giăng  đầy những sợi lác đã nhuộm màu xanh, đỏ, vàng, tím…

Đang ngồi dệt chiếu trên khung dệt thủ công truyền thống, bà Trần Thị Dính ở ấp An Lợi (xã Định Yên) chia sẻ, bà đã có trên 50 năm gắn bó với nghề dệt chiếu. Hiện nay, bà là một trong số ít những người ở làng chiếu Định Yên vẫn dệt chiếu theo phương pháp thủ công. Nghề dệt chiếu không quá khó, nhưng lại khá vất vả vì phải trải qua nhiều công đoạn như cắt, phơi, nhuộm và dệt. Để có một chiếc chiếu đẹp và bền thì trước tiên phải chọn nguyên liệu là cây lác thật già, sau đó chọn lựa chiều dài của lác phù hợp với khổ chiếu cần dệt. Khi dệt chiếu, cần 2 người cùng làm, thông thường khi căng đai xong thì người thợ chính sẽ ngồi lên khung, người thứ hai luồn từng sợi lác vào khuôn và người thợ chính sẽ dùng sức lực dập mạnh vào lác để kết chặt lác vào nhau. Động tác dập phải dứt khoát, đủ độ mạnh để lác thẳng hàng, không xếp chồng lên nhau dẫn đến gãy lọn.

Sản phẩm chiếu Định Yên

Có tận mắt chứng kiến quy trình mới thấy tay nghề của người thợ rất quan trọng, phải đan thế nào để chiếu vừa khít, đều và có độ bền. Bên cạnh việc thay đổi kỹ thuật dệt, mẫu mã đa dạng, nhờ có các hợp tác xã chiếu và tổ hợp tác dệt chiếu nên bà con không còn phải lo lắng nhiều về đầu ra của sản phẩm.

Còn chị Huỳnh Kim Phương ở ấp An Khương (xã Định Yên) cho biết: 3 năm nay, gia đình được hỗ trợ vay vốn để mua máy dệt nên ngoài thời gian làm ruộng là cả nhà lại tranh thủ ngồi dệt chiếu. Dệt máy vừa nhanh, sản phẩm lại đẹp hơn nên hầu hết người dân trong ấp đã chuyển từ dệt tay sang dệt máy. Thu nhập từ nghề này tăng lên thấy rõ, có tháng lên tới 12 – 15 triệu đồng. Người nào không có vốn thì đi làm thuê, ngày dệt 4 – 5 đôi chiếu, kiếm 120.000 – 130.000 đồng coi như cũng tạm đủ lo cho cuộc sống”.

Chị Huỳnh Kim Phương, ở ấp An Khương (xã Định Yên) được hỗ trợ vay vốn mua máy dệt chiếu xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.

Được biết, hiện làng chiếu Định Yên có 431 hộ sinh sống bằng nghề dệt chiếu. Hằng năm, làng nghề sản xuất và cung cấp ra thị trường trên 1,3 triệu chiếc chiếu các loại, với tổng doanh thu khoảng 80 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 3.800 hộ dân sản xuất, buôn bán, dịch vụ. Ngoài những hộ dệt truyền thống bằng khung dệt, tại làng chiếu Định Yên đã thành lập được một HTX và ba tổ hợp sản xuất, tiêu thụ chiếu, thu hút gần chục nghìn lao động nhàn rỗi ở địa phương và những vùng lân cận có việc làm, cho thu nhập ổn định.

Chiếu Định Yên hiện có rất nhiều chủng loại, kích cỡ, mẫu mã đa dạng và phong phú. (Trong ảnh: Công đoạn đóng gói sản phẩm ở HTX chiếu Định Yên)

Hiện, làng chiếu Định Yên không chỉ phát triển mạnh về nghề truyền thống mà còn trở thành một điểm tham quan du lịch tìm hiểu về văn hoá làng nghề hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Bà Trương Thị Diệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò cho biết: “Để bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề phát triển trong điều kiện mới, làng chiếu Định Yên sẽ khôi phục phiên chợ chiếu đêm, gắn với xây dựng tour – tuyến, đưa khách du lịch tham quan, trải nghiệm làng nghề dệt chiếu bằng phương pháp thủ công để  quảng bá thương hiệu chiếu Định Yên”.

Bên bờ sông Ngã Cại thuộc ấp An Khương (xã Định Yên, huyện Lấp Vò) có hàng chục chiếc ghe đậu san sát, nơi cung cấp nguyên vật liệu (lát, dây chân…) cho làng nghề dệt chiếu truyền thống Định Yên.

Theo Phương Nghi

https://baodantoc.vn/sac-xuan-o-lang-chieu-dinh-yen-1640596967931.htm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zalo

viVietnamese