Huyện Tháp Mười gieo trồng hàng năm từ 150 – 200ha sen, sản lượng từ 110 – 147 tấn/năm. Huyện đang thực hiện nhiều giải pháp phát triển nhãn hiệu Sen Tháp Mười.

Hiện nay, các sản phẩm được chế biến từ cây sen trên địa bàn huyện ngày càng đa dạng và được thị trường ngày càng ưu chuộng như: sữa hạt sen của Cơ sở Diễm Thúy, Cơ sở Sen Hồng; trà lá sen, trà tim sen, sen sấy của Công ty TNHH MTV Khánh Thu; rượu sen của Công ty cổ phần rượu Sen Hồng; rượu sen, hạt sen sấy khô, hạt sen rang bơ của Công ty Cổ phần đầu tư thương mại du lịch Đồng Tháp Mười…; sản phẩm thô như: sen lụa, hạt sen khô.

Nhằm thu hút ngày càng nhiều du khách đến địa phương cũng như giới thiệu hình ảnh địa phương đến bạn bè trong và ngoài tỉnh, huyện đã hình thành khu du lịch sinh thái Đồng Sen Tháp Mười.

Nơi đây ngoài cánh đồng sen rộng lớn gần 100ha đáp ứng nhu cầu của du khách đến địa phương tham quan, ngắm cảnh, các hộ dân còn liên kết làm du lịch cộng đồng với nhiều món ăn hấp dẫn được chế biến từ sen như: các lóc gói lá sen, cơm hạt sen, các món gỏi từ ngó sen, hạt sen rang muối ớt…

Với lợi thế về cây sen, huyện đã quy hoạch vùng trồng sen 300ha tại hai xã Tân Kiều và Mỹ Hòa. Cây sen đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu Sen Tháp Mười năm 2016. Sở Khoa học Công nghệ hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Sen Tháp Mười ở nước Đài Loan vào ngày 15/8/2014. UBND huyện Tháp Mười đã phối hợp Công ty Tư vấn sở hữu trí tuệ AGL tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện hệ thống các quy chế phục vụ quản lý nhãn hiệu chứng nhận.

Để đưa nhãn hiệu Sen Tháp Mười ngày càng được nhiều người biến đến, UBND huyện đôn đốc Công ty Tư vấn hoàn thiện hệ thống văn bản để huyện ban hành, áp dụng và thực hiện cấp chứng nhận cho các công ty, doanh nghiệp đủ điểu kiện sử dụng. Dự kiến năm 2019, huyện đăng ký bảo hộ một số sản phẩm mới từ sen để được cấp nhãn hiệu chứng nhận “Sen Tháp Mười” như: bột sen, bột sữa sen, sữa sen, vải dệt từ tơ sen, quà lưu niệm từ sen…

Trước mắt, thành lập tổ xúc tiến phát triển nhãn hiệu Sen với thành phần: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Tài chính – Kế hoạch, Phòng Văn hóa và Thông tin, Văn phòng Hội đồng nhân dân và UBND huyện. Đồng thời tích cực sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để chia sẻ các thông điệp các sản phẩm từ sen, hình ảnh logo trên trang điện tử của huyện, xây dựng các pano logo sen đặt các vị trí vào trung tâm huyện như: đường Quốc lộ N2, Đường Thét, Trường Xuân, ranh huyện Cái Bè (Tiền Giang); tăng cường truyền thông qua các sự kiện, ngày lễ hội của huyện gắn với khu du lịch sinh thái Đồng Sen, in ấn logo vào tài liệu hội nghị của huyện…

Theo TN Báo Đồng Tháp Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zalo

viVietnamese