Làng Hòa An xưa năm trong Khuôn viên Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, tọa lạc tại phường 4, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Với diện tích hơn 2ha, nơi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại hoạt động và an nghỉ, không chỉ là nơi tham quan lý tưởng mà còn là địa điểm lưu trú dành cho du khách gần xa muốn khám phá những hình ảnh chân quê đậm chất miền Tây Nam Bộ.

Đã về vùng đất Sen hồng, khách không thể không đến Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc để thắp nén nhang tri ân, tưởng niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, người đã có công sinh thành cho dân tộc ta một lãnh tụ kiệt xuất, anh hùng giải phòng dân tôc, danh nhân văn hóa thế giới.

Trong khuôn viên Khu di tích, ta không chỉ được tham quan nhà trưng bày Cụ Nguyễn Sinh Sắc, Mô hình nhà sàn và ao cá Bác Hồ, chiêm ngưỡng những ao sen luôn tỏa ngát hương, ngắm nhìn những hàng rào râm bụt, những vườn cây kiểng được nhân dân khắp nơi mang về trồng, với muôn kiểu bonsai độc đáo, đặc biệt chiêm ngưỡng cây sộp và cây khế hàng trăm năm tuổi được công nhân là cây di sản trồng bên hai bên cạnh mộ Cụ…

Dẫn vào làng Hòa An là bứt tượng toàn thân Cụ Sắc với tay nải quần nâu về làng Hòa An trong vai người bán thuốc

cao da trâu tìm gặp các nhà nho yêu nước ở địa phương

Đường vào làng Hòa An xưa rợp bóng cây xanh, phong cảnh hữu tình đậm chất Nam Bộ

Mà khách còn có thể men theo  đường làng, len lỏi qua những hàng dừa, me, cây vú sữa… cạnh bên con rạch nhỏ, qua những cầu khỉ đung đưa để đến với làng Hòa An, để thăm quan Khu làng cổ Hòa An đầu thế kỷ XX xưa được tái hiện, cảm nhận được một không gian với nét xưa thật hài hòa, gần gũi của người dân Nam Bộ.

Khách du lịch thích thú với cảnh đi cầu khỉ

Điều hấp dẫn cuốn hút sự chú ý của khách là cảnh đường vào làng Hòa An rợp bóng cây xanh hai bên đường, khách tha hồ thích thú chiêm ngưỡng những ngôi nhà gỗ cổ xưa được phục dựng, hàng dừa xiêm che bóng mát thư thái gọi mời, cùng trải nghiệm đi cầu khỉ bắt qua con rạch, chiếc xuồng nhỏ len lỏi qua những khóm điên điển trổ vàng bông theo mùa nước lên, thấp thoáng đằng sau là chiếc vó, cùng cây trái quanh năm đơm bông, tạo quả, khách sẽ đắm mình trong không gian an lành, tĩnh lặng, cảm nhận được hình ảnh thi vị mà dân dã, tha hồ phấn khích giơ hai tay cao hít đầy lồng ngực bầu không khí trong làng mang đến cảm giác thư thái, tạm xa lánh chốn đô thị phồn hoa, ồn ào, bụi bặm để tận hưởng chốn quê đồng gió nội.

Súng nia hay cong gọi là sen vua nổi tiếng ở vùng đất Sen hồng

Ngoài ra, khách sẽ bắt gặp những hình ảnh thân thuộc của miền quê Nam bô xưa với u rơm, lu nước và các nông ngự cụ, chiếc xuồng nhỏ…Tất cả các tổ hợp mô tả cuộc sống đời thường, cách sinh hoạt, ứng xử của người dân Hòa An xưa như xắt thuốc rê, chằm lá, mộc, đờn ca tài tử, đá gà…đã tái hiện lại hình ảnh làng quê xưa gần gũi, đơn sơ mà sâu sắc, con người sống chan hòa với thiên nhiên, yêu thương gắn bó với nhau.

Cầu gỗ xinh xắn, bóng cây xanh rợp bóng mát chào đón du khách gần xa

Vào làng, khách trầm trồ nhìn xuống những dòng kênh nhỏ, với những cầu gỗ xinh xắn bắt ngang kênh nằm cạnh làng Hòa An xưa, được tận mắt chứng kiến và ghi lại một vài tấm ảnh bên cạnh súng nia (còn gọi là vua sen) chỉ bắt gặp ở vùng đất Sen hồng.

Ở làng gió thổi vi vu, vồn vã suốt ngày, mát rượi, nắng vàng nhẹ, cảnh sinh hoạt gợi lại cuộc sống làng quê chân thực, tĩnh mịch. Khách có thể dạo chơi đường làng, chèo xuồng ba lá giăng câu, cất vó hay chăm sóc mấy giàn bầu bí, mấy vạt rau quanh nhà khi rảnh rỏi. Vào vườn dược liệu tìm hiểu và ghé Phòng chẩn trị Đông Y để bắt mạch kiểm tra sức khỏe.

Nhà sàn cao cấp phục vụ lưu trú tại làng Hòa An xưa

Khách có thể tìm hiểu những ngôi nhà gỗ cổ kính tại làng Hòa An được phục dựng lại, từ những ngôi nhà sàn của giới bá hộ địa chủ như nhà kiểu bát dần, nhà chữ đinh, nhà nọc ngựa…đến những nhà sàn của giới trung lưu, nhà của những tá điền nghèo khó…Do đặc trưng của miền sông nước, nên hầu hết khi cất nhà, phải dựng sàn trên một hệ thống cột, trụ.

Một ngôi nhà đặc trưng tại làng Hòa An xưa

Sàn nhà ở làng Hòa An thường không quá cao, phần dưới sàn thường ít được sử dụng. Cầu thang lên nhà được đặt ở hai bên nhà chính tạo cho những ngôi nhà thoáng mát, rộng rãi, tạo cảm giác hiếu khách. Rồi mấy năm gần đây, du lịch tỉnh Đồng Tháp từng bước thay da đổi thịt, tỉnh này đã đáp ứng nhu cầu thị hiếu của du khách khi cho chỉnh trang lại cơ sở vật chất, cải tạo lại các ngôi nhà gỗ, nhưng vẫn không làm mấy đi hiện trạng ban đầu để thay đổi công năng sử dụng thành các nhà sàn cao cấp phục vụ khách lưu trú.

Khách ở lại làng Hòa An, được sống trong không gian yên bình, trước khi ánh bình minh lên, khách có thể trải nghiệm thả bộ dọc quanh đường làng, nghe tiếng chim rót ban mai, hòa mình với những giọt sương đêm còn vươn trên hoa lá quanh làng, cùng bạn bè săn những bức ảnh đẹp khi nhưng tia nắng đầu tiên nép mình ven hàng dừa thẹn thùng buổi sáng sớm…lắng nghe âm thân thân thuộc vọng lại từ xa với tiếng chổi quét xào xạc hay rộn rã âm thanh nước tưới cây…

Buổi tối đường làng lung linh mờ ảo, nhất là những đêm rằm, ánh trăng tròn vành vạnh xuống đường làng, trăng lấp ló lờ mờ ẩn hiện lênh láng vàng trăng khắp làng đẹp lạ thường. Thích nhất là lang thang giữa làng quê tĩnh mịch, nghe thiên nhiên thì thầm độc thoại, nàng gió nhẹ mơn man. Đêm xuống, khách bắt gặp âm thanh đặc trưng miền sông nước xa xưa với tiếng nhẹ thì thầm của lá, cỏ cây tình tự, côn trùng, tiếng ếch nhái hòa tấu rả rích tỉ tê. Thi thoảng giật mình vì tiếng chó sủa vu vơ, tiếng chuông chùa ngân nhẹ và tiếng gà hư không. Thích nhất là thanh âm mưu rơi trên gói cổ tí tách trâm buồn gợi nhớ thuở ấu thơ.

Những ngôi nhà sàn gỗ cao cấp tại làng Hòa An xưa

Khách yên tâm lưu trú tại những ngôi nhà sàn gỗ cao cấp để tận hưởng cuộc sống thi vị làng quê, quẳng gánh quên đi những phiền muộn, cuộc sống đời thường bộn bề âu lo cùng hòa mình với thiên nhiên và tận hưởng các dịch vụ homestay đầy đủ, với giường cổ, với nệm hay tấm ván ngựa bằng gỗ quý mát rượi, tận hưởng cảm giác thư thái tâm hồn. Từng chỗ nghỉ có màn ngăn, ổ cắm điện, đèn ngủ…thiết kế hài hòa và vẫn giữ được nét xưa. Hệ thống nhà tắm có nước nóng, nhà vệ sinh sạch đẹp, thông thoáng. Khách gia đình và nhóm bạn, có thể thuê nguyên căn với người phục vụ riêng.

Đến với khu lưu trú, tùy theo nhu cầu giải trí, trải nghiệm, khách có thể tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí, đờn ca tài tử, hò Đồng Tháp, trò chơi dân gian, câu cá, bơi xuồng, hoạt động trải nghiệm của cư dân Làng Hòa An xưa như trồng cây, thu hoạch sản phẩm nông nghiệp, gánh nước tưới cây, xắt thuốc,…và tận hưởng ẩm thực đặc trưng vùng đất Sen hồng, thưởng thức các món ngon đặc sản và tự tay làm các món ăn truyền thống của Nam Bộ.

Chị Phan Thị Vũ Quyên, Giám đốc Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc cho biết, việc tái hiện làng Hòa An xưa nhằm khái quát được một phần nào đó về lịch sử, tạo ra làng cổ giữa đô thị mới giữ gìn nét đẹp xưa của làng xã Việt Nam, góp phần giới thiệu với khách tham quan những giá trị lịch sử văn hóa truyền thống về mảnh đất con người Hòa An – Cao Lãnh xưa. Đồng thời phát huy tốt chức năng tuyên truyền giáo dục về tình cảm sâu nặng mà bà con làng Hòa An – Cao Lãnh đã dành cho cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc cũng như tình cảm của Cụ đã dành cho bà con nơi đây, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Đến với Thủ phủ đất Sen hồng, du khách tha hồ tận hưởng, khám phá trải nghiệm những cảm xúc thú vị tại làng Hòa An xưa, để khắc dấu những ấn tượng khó phai về vùng đất đậm chất miền tây này./.

Nguyễn Toàn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Zalo

en_USEnglish