Du lịch sinh thái, du lịch nông thôn và chương trình OCOP được đẩy mạnh trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Ảnh minh họa: Vũ Long

Phát triển du lịch nông thôn là điểm quan trọng của Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Đẩy mạnh lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới 2021-2025

Việt Nam hiện có 3 loại hình du lịch nông thôn, đó là du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái. Cả nước có khoảng 365 điểm du lịch nông thôn và hơn 2.000 làng nghề truyền thống có tiềm năng về du lịch. Việc chuyển đổi số trong du lịch nông thôn sẽ giúp thu hút được thêm du khách, hỗ trợ du khách chuẩn bị chuyến đi dễ dàng hơn, cung cấp dịch vụ tốt hơn và nắm được hành vi của khách hàng…

Hoa tam giác mạch Hà Giang được xem là điểm du dịch mới mẻ, là “điểm nhấn” của vùng núi đá tai mèo hùng vĩ vốn cuốn hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Xác định được ưu thế này, tỉnh Hà Giang đã liên tiếp tổ chức các lễ hội hoa tam giác mạch và hoạt động này đã trở thành một trong những sự kiện du lịch thu hút đông đảo du khách thập phương.

Nhờ xây dựng được nhiều tuyến điểm du lịch hấp dẫn du khách, Hà Giang là một trong các điểm du lịch cuốn hút của Việt Nam. Đầu năm 2021, Hà Giang còn nằm trong tốp 10 điểm đến tuyệt vời nên khám phá tại Việt Nam do hãng truyền thông CNN của Mỹ bình chọn.

Tại Hà Giang, du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh đang thực hiện với các mô hình sản phẩm cơ bản, như: Mô hình làng văn hóa du lịch tiêu biểu; làng du lịch cộng đồng gắn với phát triển dược liệu; du lịch cộng đồng theo tiêu chí phân hạng sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Bên cạnh đó, Hà Giang đang hướng tới xây dựng mô hình du lịch cộng đồng theo tiêu chuẩn ASEAN (hiện có 5 hộ tại thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ đã được chứng nhận giải thưởng ASEAN về homestay). Một số mô hình đang được đầu tư theo hướng chất lượng cao…

Sản phẩm OCOP hỗ trợ để chương trình du lịch nông thôn thêm hấp dẫn. Ảnh: Vũ Long

Tại Hà Nội, mô hình du lịch nông thôn mới tại làng nghề Bát Tràng và các mô hình trang trại tại Ba Vì cho thấy quá trình tham quan, khám phá, trải nghiệm du lịch nông nghiệp sẽ tạo ra hứng thú mới  khi khách được cuộc sống sinh hoạt người dân nông thôn, văn hóa vùng miền và được hòa mình với thiên nhiên. 

Tỉnh Đồng Tháp có 80 điểm du lịch nông nghiệp, cộng đồng đã được UBND tỉnh đưa vào quy hoạch và đầu tư phát triển. Đồng Tháp còn được Bộ NNPTNT chọn là điểm “Làng văn hóa du lịch”. Trong đó, Làng Văn hóa du lịch Sa Đéc sẽ được quy hoạch thành nhiều khu vực đặc trưng riêng rất hấp dẫn.

Nhiều năm qua, hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Bến Tre đã được khai thác và phát huy thế mạnh với nhiều loại hình và sản phẩm du lịch như: Du lịch tham quan các vườn dừa, vườn cây ăn trái, trải nghiệm sống trong nhà dân và tham gia sinh hoạt với người dân; tham quan và trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống… Hiện nay tỉnh Bến Tre đang triển khai thực hiện Đề án Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách. Đây là một trong những nội dung của Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm)…

Du lịch nông thôn hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP

Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, các sản phẩm OCOP mang đặc trưng của vùng đất du lịch cũng tạo nên sức hút cho các điểm du lịch, đồng thời, hoạt động du lịch cũng góp phần tiêu thụ và nâng cao giá trị của sản phẩm OCOP. Đây là quan hệ mang tính tương hỗ, ngay từ khi thực hiện chương trình, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương và các địa phương đã xác định rõ và linh hoạt lồng ghép hiệu quả vào các chương trình du lịch nông thôn.

Tại Hà Nội, mô hình du lịch nông thôn mới tại làng nghề Bát Tràng và các mô hình trang trại tại Ba Vì cho thấy quá trình tham quan, khám phá, trải nghiệm du lịch nông nghiệp sẽ tạo ra hứng thú mới  khi khách được cuộc sống sinh hoạt người dân nông thôn, văn hóa vùng miền và được hòa mình với thiên nhiên. Sự gắn kết xây dựng nông thôn mới kết hợp với du lịch mở trong bối cảnh mới còn tạo sự phát triển bền vững các vùng ngoại thành Hà Nội, giúp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, OCOP tại địa phương.

Song song với việc phát triển du lịch, UBND huyện Ba Bể (Bắc Kạn) luôn quan tâm thúc đẩy thực hiện Chương trình OCOP. Sau 3 năm triển khai thực hiện, huyện Ba Bể đã có 18 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 3 sao, gồm: Thịt trâu khô Ba Bể, trà giảo cổ lam, chuối sấy dẻo của HTX Hoàng Huynh; rau bồ khai Ba Bể của HTX Sang Hà; lạp sườn gác bếp, khẩu mẩy vùng cao, bí xanh thơm, trà giảo cổ lam của HTX Nhung Lũy… được du khách ưa thích.

Các sản phẩm OCOP chủ lực của huyện Mèo Vạc (Hà Giang) được gắn liền với các sản phẩm du lịch của huyện và sản phẩm du lịch của tỉnh. Nhờ đó, trong những năm gần đây, các sản phẩm OCOP của huyện Mèo Vạc đã góp phần thúc đẩy du lịch của địa phương và của tỉnh. Bên cạnh đó, ngành du lịch của tỉnh cũng góp phần tiêu thụ và thúc đẩy quá trình phát triển các sản phẩm OCOP của Mèo Vạc. Vì vậy, trong những năm qua, thu nhập của người dân Mèo Vạc trực tiếp sản xuất ra sản phẩm cũng không ngừng được nâng lên.

Theo VŨ LONG

https://laodong.vn/kinh-te/du-lich-nong-thon-la-be-do-day-manh-tieu-thu-san-pham-ocop-981092.ldo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Zalo

en_USEnglish