Nằm trong xu thế chung của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Du lịch thời điểm này cũng đang tích cực triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số. Đây được coi là giải pháp phù hợp với diễn biến của dịch bệnh COVID-19 hiện nay.

Chuyển tải giá trị nhân văn thông qua chuyển đổi số là yếu tố giúp du lịch nông thôn bền vững. Hình minh họa: Nam Nguyễn

Phát triển du lịch nông thôn gắn với chuyển đổi số hướng đến nhiều mục tiêu

Trong định hướng chung phát triển ngành du lịch, du lịch nông thôn đang là hướng đi mới được kỳ vọng sẽ mang lại một nguồn thu ổn định cho những doanh nghiệp du lịch. Chính vì vậy, phát triển du lịch nông thôn gắn với chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ cấp bách.

Theo ông Nguyễn Lê Phúc – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, phát triển du lịch nông thôn gắn với chuyển đổi số hướng tới các mục tiêu Phát triển điểm đến và sản phẩm du lịch chất lượng cao với mô hình Làng du lịch thông minh (Smart Village). Thực chất là sử dụng ứng dụng công nghệ kết hợp với khai thác các giá trị bản địa, truyền thống, sức mạnh cộng đồng, hình thành điểm đến có sản phẩm đặc trưng, chất lượng cao.

Cùng với đó là kết nối, vận dụng các hoạt động truyền thống với các ứng dụng mới như quảng cáo trực tuyến, đặt tour trực tuyến – booking online (đối với tour, homestay, ẩm thực, dịch vụ trải nghiệm…), thanh toán trực tuyến nhằm đưa đến cho khách du lịch những trải nghiệm tốt nhất. Hình thành hệ thống Làng du lịch thông minh trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Thực hiện xúc tiến, quảng bá, rút ngắn khoảng cách, đưa những giá trị truyền thống, đặc sắc nhất của khu vực nông thôn đến với khu vực đô thị, thu hút du khách về với khu vực nông thôn thông qua các kết nối ứng dụng công nghệ như website, mạng xã hội, công cụ tìm kiếm trực tuyến….

Đồng thời, xây dựng, phát triển các kênh phân phối, sàn giao dịch trực tuyến kết nối với thị trường gửi khách phục vụ riêng cho quảng bá điểm đến và thúc đẩy sản phẩm du lịch nông thôn; hỗ trợ các hộ gia đình, điểm du lịch cộng đồng trực tiếp đăng ký, chào bán sản phẩm du lịch nông thôn trên cơ sở kết nối với các kênh thông tin, xúc tiến quảng bá của ngành du lịch và ngành nông nghiệp, kết hợp với thúc đẩy tiêu thụ nông sản địa phương thông qua hoạt động du lịch.

“Một mục tiêu khác trong việc phát triển du lịch nông thôn gắn với chuyển đổi số đó là nâng cao nhận thức, hỗ trợ người dân nông thôn tiếp cận, làm chủ công nghệ, vận dụng các ứng dụng công nghệ hiệu quả trong phát triển du lịch” – ông Nguyễn Lê Phúc cho biết.

Sản phẩm xây dựng dựa trên chuyển đổi số phải được thiết kế đồng bộ với sản phẩm thực tế

Theo bà Phan Yến Ly, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển của công ty Say Cheese, du lịch nông thôn giúp cho ngành nông nghiệp có thêm một sản phẩm mới. Đây cũng là sản phẩm đem tới nguồn lợi cao và có xu hướng phát triển nhanh trên thế giới.

Bà Phan Yến Ly cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam vốn đã có thói quen sử dụng chuyển đổi số. Nhưng một số nền tảng cao cấp hơn như trí tuệ nhân tạo (AI), block chain… thì các đơn vị lữ hành, hay trang trại nông thôn chưa thể làm được.

Trên góc nhìn của một nhà nghiên cứu, phát triển, bà Phan Yến Ly cho rằng các đơn vị du lịch tăng cường liên kết. Ngoài hợp tác theo chiều ngang, các công ty du lịch, lữ hành cần tìm phương án kết nối với những khu nông nghiệp. Qua đại dịch vừa qua, những liên kết này bị đứt gãy, khiến việc phát triển trở nên nhỏ lẻ, manh mún.

Vấn đề thứ hai đó là định hướng phát triển những sản phẩm thực tế ảo, nhằm giúp du khách phát triển trải nghiệm. Xây dựng những trải nghiệm thực tế ảo rất có tiềm năng thương mại hóa, bởi đây là thứ tạo ấn tượng đầu tiên để thu hút du khách. Tuy nhiên, đây là một vấn đề lớn, cần có chính sách và giải pháp căn cơ từ cơ quan quản lý, bởi doanh nghiệp thiếu nguồn lực, dữ liệu để xây dựng.

“Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển du lịch nông thôn. Tuy nhiên, hiện tại chúng ta gặp những điểm nghẽn như lượng khách lẻ tẻ, các sản phẩm chưa thích ứng được với công tác marketing, chuyển đổi số”, bà Phan Yến Ly nêu quan điểm.

Để thay đổi, bà Ly cho rằng các công ty lữ hành và những đơn vị phát triển du lịch nông thôn phải thổi hồn được vào những sản phẩm, chạm được vào trái tim du khách. Ngoài ra, những sản phẩm xây dựng dựa trên chuyển đổi số cần được thiết kế đồng bộ với sản phẩm thực tế.

Chuyển tải giá trị nhân văn bằng chuyển đổi số giúp du lịch nông thôn phát triển bền vững

Theo PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP. HCM, khi công nghệ bùng nổ, chuyển đổi số đã gắn chặt với du lịch, bởi bản chất của người sử dụng cuối đều thích những trải nghiệm mới, thứ mà cả công nghệ lẫn du lịch đều mang lại.

“Giá trị nhân văn mang đến chiều sâu văn hóa, trong khi chuyển đổi số là xu hướng của thời đại công nghệ. Lồng ghép hai yếu tố này là cần thiết nhưng phải chuẩn bị hệ thống kỹ lưỡng, chu đáo để phát triển du lịch nông thôn” – PGS.TS Ngô Thị Phương Lan nêu quan điểm.

Bà Phương Lan cho rằng, chuyển tải giá trị nhân văn là yếu tố giúp du lịch nông thôn bền vững. Từ nhiều năm nay, các địa phương đều đã có phương án phát triển hướng đi này, chẳng hạn như xây dựng, khai thác những phong tục, danh lam thắng cảnh, sản phẩm đặc thù, đặc hữu tại ĐBSCL, miền núi phía Bắc.

Để mang đến những trải nghiệm du lịch nông thôn đặc sẵn, hấp dẫn, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan cho rằng, các địa phương cần xây dựng những sản phẩm đặc sắc, độc đáo, mang giá trị cốt lõi là giá trị nhân văn. Trên những cơ sở như đặc điểm tự nhiên, khí hậu, các tỉnh, thành phố sẽ tạo ra những sản phẩm mang tính duy nhất.

“Trong thời đại 4.0, kết nối qua không gian mạng giúp làm mờ khoảng cách địa lý, cũng như tạo ra những ấn tượng, trải nghiệm ban đầu cho du khách” – bà Phương Lan nêu quan điểm.

Theo Bảo Trân

https://toquoc.vn/du-lich-nong-thon-bai-2-chuyen-doi-so-de-phat-trien-ben-vung-20211013145800233.htm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Zalo

en_USEnglish