Du lịch chăm sóc sức khỏe đang được dự báo sẽ trở thành một xu hướng của du lịch thế giới, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, sức khoẻ đã trở thành mối quan tâm số một của người dân trên toàn cầu, buộc họ phải thay đổi hành vi để phù hợp với mục tiêu chăm sóc sức khỏe, trong đó bao gồm cả nhu cầu đi du lịch.

Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Du lịch chăm sóc sức khỏe là loại hình du lịch nhằm cải thiện và cân bằng tất cả các lĩnh vực chính của đời sống con người bao gồm thể chất, tinh thần, tình cảm, nghề nghiệp, trí tuệ và tâm linh. Các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho khách du lịch thường bao gồm: Làm đẹp và chống lão hóa; ăn uống lành mạnh, dinh dưỡng và giảm cân; tập thể dục và trí óc; phòng chống bệnh tật; thuốc bổ sung và thuốc thay thế, spa, tắm suối, khoáng nóng…

Du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe sẽ phát triển mạnh mẽ thời gian tới

Cùng với xu thế phát triển của du lịch trong xã hội hiện đại, nhu cầu của con người không chỉ giới hạn ở việc đi du lịch để nghỉ ngơi, hưởng thụ khoảng thời gian nhàn rỗi mà còn có mục tiêu về nâng cao sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần. Trước nhu cầu đó, du lịch chăm sóc sức khoẻ trên thế giới thời gian qua đã phát triển nhanh và vững chắc. Đặc biệt dòng sản phẩm này dành cho đối tượng khách du lịch có khả năng chi tiêu khá cao và ở dài ngày, nên tổng thu từ khách du lịch của hoạt động này ở các quốc gia trên thế giới được ghi nhận khá ấn tượng.

Hiện, nhiều quốc gia đã và đang cạnh tranh mạnh mẽ thông qua các nỗ lực cung ứng các loại hình dịch vụ y tế và chiến lược tiếp thị trên toàn cầu, điển hình như Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật, Singapore, Thái Lan, Malaysia… Riêng ở châu Á, có thể thấy Singapore và Thái Lan đang trở thành những điểm đến du lịch hàng đầu về chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh.

Còn với Việt Nam, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, tiềm năng phát triển loại hình này cũng rất lớn. Như, Việt Nam có bờ biển dài 3.260km, với nhiều bãi tắm biển rất đẹp và thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Ngoài ra, việc phát hiện khoảng 400 nguồn nước khoáng nóng đã trở thành những nơi nghỉ ngơi và phục hồi sức khoẻ được nhiều khách du lịch ưa chuộng. Cùng với đó, Việt Nam có hệ thống cây dược liệu vô cùng phong phú, có nền y học dân tộc cổ truyền nổi tiếng; hệ thống di tích lịch sử phong phú, có nhiều chùa, tịnh xá, với hệ thống thiền viện rất đặc sắc với cảnh quan hấp dẫn có thể khai thác để phát triển du lịch nói chung và phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe nói riêng.

Trong giai đoạn phát triển ấn tượng của ngành du lịch trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam đã có bước phát triển nhất định với nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, như: Du lịch spa; chăm sóc sức khỏe bằng y học cổ truyền; du lịch thiền, yoga; du lịch giảm cân. Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế thực trạng khai thác dòng sản phẩm này vẫn chưa tương xứng. Bà Nguyễn Hoàng Mai – Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, trên bản đồ du lịch chăm sóc sức khoẻ của thế giới, Việt Nam còn khá mờ nhạt. Du lịch chăm sóc sức khoẻ ở Việt Nam mới đang ở mức độ manh nha hoặc chủ yếu là kết hợp với các loại hình du lịch khác như nghỉ dưỡng biển, nghỉ dưỡng núi, du lịch đô thị; sự quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, cũng như xúc tiến quảng bá, phát triển thị trường đối với dòng sản phẩm này cũng chưa được thực hiện hiệu quả, bài bản.

Thừa Thiên Huế là một trong số các địa phương có nhiều tiềm năng đối với dòng sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe, tuy nhiên, hiện hầu hết du khách trong và ngoài nước dừng chân ở điểm đến này còn biết rất ít đến dịch vụ này. Ông Trần Hữu Thùy Giang – Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế – cho biết: theo số liệu thu được, chi tiêu bình quân 1 ngày của du khách tại địa phương chủ yếu ở các khoản: lưu trú, ăn uống, vận chuyển, tham quan, mua hàng hóa, quà lưu niệm, ăn uống… khoảng 1.900.000 – 2.200.000 đồng/ người. Tuy nhiên các khoản chi cho các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe rất ít, chỉ chiếm dưới 5% trong cơ cấu chi tiêu. “Điều này cho thấy, địa phương đang bỏ qua lợi thế rất lớn của một trung tâm y tế chất lượng cao, chuyên sâu; một trung tâm du lịch có đầy dủ các điều kiện để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, khám chữa bệnh”- ông Giang nhận định.

Việt Nam cần triển khai các giải pháp đồng bộ về du lịch chăm sóc sức khỏe để thu hút nguồn khách tiềm năng

Xây dựng sản phẩm chất lượng

Trải qua thời gian ngưng trệ và suy giảm bởi dịch Covid-19, theo dự báo, thị trường khách du lịch chăm sóc sức khoẻ trên thế giới sẽ tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ sau khi ngành du lịch toàn cầu được phục hồi sau đại dịch Covid-19. Đặc biệt, theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), đến năm 2030, khách du lịch đi với mục đích: tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí chiếm 54% tổng lượng khách du lịch quốc tế; thăm hỏi, sức khỏe và tôn giáo chiếm khoảng 31%; công việc và nghề nghiệp chiếm 15%.

Mặt khác, UNWTO cho rằng, với xu hướng già hoá dân số, nhu cầu về chất lượng cuộc sống, du lịch, nghỉ ngơi, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe càng ngày càng được chú trọng và đòi hỏi được đáp ứng nhiều hơn về chất lượng cũng như số lượng, dần dần trở nên phổ biến hơn và có sự phân khúc thị trường để đáp ứng được các nhu cầu đó.

Trong bối cảnh mới khi mà toàn thế giới đặt vấn đề sức khoẻ lên hàng đầu, những chuyến du lịch đầu tiên sau đại dịch sẽ có mục tiêu ưu tiên là chăm sóc, nâng cao sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần. Vì vậy, nhiều ý kiến nhận định, đây có thể là giai đoạn để Việt Nam phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, du lịch chăm sóc sức khỏe rất phù hợp để trở thành sản phẩm chính cũng như trở thành sản phẩm bổ trợ cho các sản phẩm du lịch đặc thù của Việt Nam.

Trước mắt, để có thể khai thác hết thế mạnh của mình như là một trung tâm du lịch sức khỏe thu hút khách du lịch, nâng cao lợi thế cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam cần có định hướng và giải pháp phát triển phù hợp cho sản phẩm du lịch đầy tiềm năng này. Như, phát triển các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe chất lượng, thu hút, có giá trị gia tăng cao; phát triển sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe đáp ứng các nguyên tắc phát triển bền vững, tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa địa phương; quy hoạch, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe phát huy thế mạnh của tài nguyên du lịch từng địa phương, đồng thời tăng cường liên kết giữa các vùng, miền, địa phương.

Với các định hướng trên, ngành du lịch cũng đã nêu một số giải pháp cần tập trung triển khai, cụ thể: Hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện phát triển các loại hình dịch vụ, sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe phục vụ khách du lịch. Đồng thời, cần có định hướng và quy hoạch cụ thể theo từng giai đoạn khác nhau với các mục tiêu rõ ràng trong việc phát triển sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe để đảm bảo tính hiệu quả, lâu dài và bền vững. Tổ chức nghiên cứu về sản phẩm phù hợp với thị hiếu, tâm lý và sở thích của các nhóm đối tượng thụ hưởng; đánh giá nguồn lực phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện và bài bản; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến về những đặc trưng, thế mạnh của Việt Nam đối với sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe tới các thị trường tiềm năng…

Theo Hoa Quỳnh

https://congthuong.vn/du-lich-cham-soc-suc-khoe-don-dau-xu-huong-168270.html

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Zalo

en_USEnglish